Cội nguồn tội lỗi
Chắc chúng ta không bao giờ nhắc đến hai chữ “Tận thế” nếu năm xưa Lucifer không phạm tội. Đúng thế, bởi vì Thiên Chúa chẳng phải nhọc lòng đi phán xét người lành kẻ dữ nữa.
Nhưng Lucifer đã phạm tội bất tuân, muốn lên cho bằng được Thiên Chúa, xây dựng riêng một thế giới của riêng mình, muốn làm một Đấng Tạo Hóa. Lucifer quên rằng hắn chỉ là một tạo vật và Chúa chỉ cần cho một Thiên Thần “ở đẳng cấp thấp hơn Lucifer rất nhiều” là cũng đủ đánh bại hắn và đồng bọn. Lucifer cay cú nên đã lừa tạo vật mà Chúa yêu nhất là con người đẻ kéo về phe của hắn. Chúng ta không nên đổ tội cho Tổ phụ, vì Tổ phụ của chúng ta ngoan hiền, ngây thơ nên mới bị Con Rắn dụ dỗ, bằng cách rất xảo quyệt, rằng: “Có phải…”, nhưng chúng ta phải nên nhìn nhận lại rằng, mỗi khi chúng ta đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, thì cũng như Lucifer, là chúng ta sẽ gặp khốn khó và càng đến gần hơn với hai chữ “Tận thế”
Đầu tiên là Cain và Aben. Chúa không ham gì lễ vật của Aben cả, mà đơn giản là Người nhận tấm lòng thành của ông, nhưng Cain vì không tin vào tình yêu của Chúa, nên đã giết em trai mình, để rồi con cháu ông về sau cũng mang nặng tư tưởng ấy và bị Đại Hồng Thủy nhấn chìm.
Nói đến Đại Hồng Thủy, Ông Nô-ê đã đóng tàu, đã cảnh báo nhưng dân đâu có chịu sám hối, đâu có chịu tin, và hết thảy họ đều bị chìm trong biển nước. Đến thời Môi-sê. Pha-ra-ông và toàn dân Ai-cập không tin những lời Môi-sê đã truyền báo về những tai ương và họ phải lãnh lấy hậu quả. Ngay cả khi được thông báo về bệnh dịch nguy hiểm cho trẻ con, Pha-ra-ông cũng không chịu nghe và đề phòng nên nỗi góp phần hại chết các trẻ nhỏ Ai-cập, trong khi người Do-thái ở Ai-cập tin theo lời Môi-sê nên đã thoát nạn. Khi Pha-ra-ông vì sợ hãi mà thả tự do cho người Do-thái, nhẽ ra đã không còn thiệt hại nữa nếu ông ta không cho hàng ngàn kỵ binh, chiến xa đuổi theo, và ngay cả khi Chúa cho lốc xoáy, vòi rồng cản lại, quân lính đã kêu lên: “Chúa chiến đấu cho người Do-thái chống lại Ai-cập” nhưng quân đội của Pha-ra-ông vẫn không chịu dừng lại, để rồi vị vùi dập trong sóng nước.
Thời Chúa Giê-su thì sao?
Dân Do-Thái đã đi đến sự tuyệt vọng về Đức Tin khi họ bị La Mã đô hộ. Họ ngày đêm ngóng chờ một Đấng Mê-si-a theo cách hình dung của họ: Dùng cánh tay uy quyền của Thiên Chúa để đập tan ách thống trị của La Mã, xây dựng đất nước Do-thái hùng mạnh, làm bá chú thể giới. Để rồi khi Ngôi Hai Thiên Chúa – Đấng Mê-si-a thực sự đã đến với họ, nhưng lại không như cách họ nghĩ, họ đã treo Người lên thập tự giá. Vua Giê-su chỉ dạy có hai điều: Mến Chúa và Yêu Người mà thôi, khi có hai điều ấy thì kể cả Thần Chết cũng không thắng nổi, huống chi là La Mã, nhưng rất tiếc là con người chúng ta mà đại diện là người Do-thái đã không nghĩ như thế. Lịch sử cho thấy khi người Israel vẫn không chịu tin vào Đức Giê-su, thì dân tộc của họ sẽ không bao giờ thôi chiến tranh, đất nước của họ vẫn mãi bị chia cắt.
Thế còn Hội Thánh của Chúa Giê-su?
Những lúc bị bách hại, khó khăn thì Hội Thánh lại càng phát triển, Đức tin lại càng mạnh mẽ, điển hình như những năm 33-500. Tuy nhiên sau đó, khi được “yên bình” thì những tư tưởng riêng bắt đầu xuất hiện và nhiều người đã không còn tuân phục Ngai Tòa Phê-rô, tách ra thành Chính thống giáo khiến cho một nửa Hội Thánh Mặt Đất trở nên khép kín, còn nửa kia chìm vào “đêm trường trung cổ”. Chừng 500 sau, Martin Luther, người đã một lần nữa “lạm dụng sự tự do Chúa ban”, theo tư tưởng “dân chủ” thời bấy giờ, khi Chủ nghĩa Tư bản xuất hiện và phổ biến, đã tạo ra một cuộc li giáo cũng đau thương không kém. Hệ tư tưởng Tin lành tuy góp công làm cho thêm nhiều người biết Chúa, nhưng cũng nảy ra những tư tưởng lạc giáo, tà giáo khi con người hướng “Đức tin” theo ý của riêng họ, chứ không còn nguyên bản như Chúa Giê-su đã truyền. Anh giáo cũng là một “sản phẩm” của sự đánh mất Đức tin khi vua Anh muốn thay quyền Chúa để li dị vợ mình.
Đến đầu thế kỷ 20, một lần nữa khủng hoảng Đức tin lại xuất hiện cũng với những tư tưởng vô thần. Với lối suy nghĩ “vật chất quyết định ý thức”, con người đã rơi vào vòng xoáy sùng bái vật chất mà quên mất Thiên Chúa – vốn là tuyệt đỉnh của thế giới tinh thần. Với việc đánh mất Đức tin, con người giành giật vật chất với nhau bằng Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) gây đau thương không kể xiết, cho tới lúc các nước tham chiến nhận ra một điều: Giàu có mà không được bình an thì cũng vứt đi, nên đã ngừng chiến.
Những tưởng lúc đó Thế giới đã được cứu khỏi thảm họa “Tận thế” thì ngày ấy càng đến gần hơn khi “Chủ nghĩa dân tộc” ra đời, và người Đức vì muốn dân tộc mình trở nên “thượng đẳng” nhất, đã tiến hành tiêu diệt dân tộc khác lâu nay vẫn được gọi là “dân Chúa chọn” – đó chính là người Do-thái. Cùng các dân tộc tự cho mình là “thượng đẳng” khác là Nhật Bản, Ý đã làm nên cuộc chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) với bên kia chiến tuyến là 3 dân tộc “thượng đẳng” không kém: Nga, Anh, Pháp và 1 Hợp chủng quốc là Hoa Kỳ. Cuộc chiến này chẳng có ai thắng cả, chỉ có nhân dân thế giới là chìm vào đau thương mất mát. Cuộc chiến kết thúc bởi hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã giáng xuống hai thành phố Nhật Bản. Qua cuộc chiến này, chúng ta càng thấy rõ con người muốn làm bá chủ thế giới, muốn thay quyền của Chúa đến thế nào: Muốn mình nên “thượng đẳng”, muốn tự mình định đoạt sự sống chết của người khác,… Và chính những điều này đã làm cho nhân loại gần với “Tận thế” hơn.
Con người lại “muốn thay quyền Thiên Chúa”
Hơn 50 năm sau, con người lại tiến thêm một bước tiến mới để “lên cho bằng Thiên Chúa”, là cách mạng công nghệ – thông tin. Lúc này con người tự cho mình đã có thể “ở một nơi biết hết chuyện thiên hạ” (internet), đã có thể “biết hết mọi thứ” (Google), nhưng quên mất một điều là ngay sau lưng chúng ta, lũ trẻ ngỗ nghịch ra sao chúng ta đâu có biết, còn người vợ đang gối ấp tay kề của chúng ta đang nghĩ về ai thì chúng ta cũng đâu có hay, vì thế vĩnh viễn chúng ta chẳng thể nào lên được bằng Chúa cả. Nhưng cái chúng ta cảm nhận được mà chẳng thể nhìn thấy, đó là chỉ cần một con virus phát tán trên mạng, nó có thể đánh sập cả hệ thống thông tin trong nháy mắt, gây thiệt hại cả tỷ đô trong vài giờ, thì chúng ta chẳng thể nào ngay lập tức tiêu diệt được nó!
Thế rồi con người lại “muốn thay quyền Thiên Chúa” khi tự cho mình có thể tạo ra sự sống bằng cách nhân bản vô tính động vật và còn đòi nhân bản vô tính cả con người. Thử hỏi để dân tộc mình nên “thượng đẳng”, nước Đức nhân bản vài nghìn Hít-le và nước Nga Xit-ta-lin với số lượng tương tự thì có phải là sẽ có “Tận thế” hay không? Cái gọi là “công nghệ sinh học tiên tiến” ấy chưa mang lại hiệu quả đột phá nhưng đã tạo ra những con virus khủng khiếp như Sars, nCoV,… rồi.
Qua hàng ngàn năm, mỗi khi con người mất niềm tin vào Chúa, khi con người muốn tự mình làm Chúa, thì con người phải lãnh lấy hậu quả do mình tạo ra và tự tìm lấy “ngày Tận thế”. Còn Thiên Chúa, Người vẫn cứ là Thiên Chúa, Người chỉ trông xem và chờ đợi tới lúc tự con người nhận ra Vinh Quang Đích Thực mà thôi.
Người Công Giáo nên chia sẻ nỗi buồn như thế nào với người bị nhiễm Corona
Bình luận 1